Đã lâu rồi tôi lần đầu lên
Bạch Mã, ở lại một đêm. Thấy thích thú với không khí se lạnh, vắng vẻ, và cái tiêu chí du lịch sinh thái bảo vệ môi trường của Rừng Quốc Gia. Có lẽ đã một lúc nào người ta định lấy Bạch Mã làm trung tâm của các hoạt động bảo vệ thiên nhiên nên ở đây ngoài các tuyến du lịch khảo cứu còn có nhà hội nghị, sân chơi, phòng tập khá hoành tráng so với số giường của các khách sạn nhà nghỉ.
Năm 2009 đoàn k4 định lên Bạch Mã qua đêm, hôm sau mới vào Đà Nẵng. Nhưng nhìn lên đỉnh thấy mây mù, lại từng biết đường không dễ đi nên đồng thuận bỏ qua. Rồi sau đó Bạch Mã đóng cửa không cho khách lên để sửa đường.
Năm ngoái, dịp 30/4, Bạch Mã mở cửa trở lại đón khách với con đường núi đã được nâng cấp hoàn toàn, từ 3,5m lên 5,5m hai xe nhỏ tránh nhau dễ dàng chưa kể những chỗ tránh xe tải mở tới hơn 6m, có hộ lan gờ chắn an toàn hơn nhiều.
Qua Huế gặp Q.MF, vừa lúc tính với KV còn thừa thời gian thì đi Bạch Mã. Q.MF nói vừa đi Ngũ Hồ (bên trái bản đồ dưới đây) với mấy người bạn, cảnh đẹp khó đi nguy hiểm trùng trùng. Nghe vậy bọ đây càng quyết tâm, may được KV còn quyết tâm hơn, khó mới đáng đi dễ là chuyện nhỏ :-)
Nhưng gần 4 năm đóng cửa làm đường là 4 năm mấy nhà nghỉ khách sạn bỏ hoang vì không có khách. Theo Q.MF mô tả vào trong còn thấy nội thất giường tủ cũ bẩn, gió thổi màn che phất phơ như trong phim ma; có thể là Morin Hotel, hay là ...Ma Hotel (chữ Bạch) bị ai đó cào xóa cho hợp cảnh.
Tuy thế biệt tự Đỗ Quyên (thuộc quản lý của BQL Rừng Quốc Gia Bạch Mã) vẫn hoạt động, khách người nước ngoài ở lại để đi cho hết mấy cung đường mòn, chưa kể những người đi về trong ngày.
Các cậu ở BQL nói mùa này khách ngoại mới ở lại, chứ mùa nóng người Việt mình lên đông làm ồn họ không ở lại. Chính biệt thự này là nơi tôi đã ở lại một đêm năm 2007 để sáng hôm sau đi
chụp ảnh mặt trời lên (xua hết mây mù - lời bài hát).
Đặt cơm xong chúng tôi đi lên đỉnh, sẽ đến Vọng Hải Đài (có lúc/chỗ người ta kêu Hải Vọng Đài). So ảnh cũ với mới có mấy thứ xưa chưa có: chuông, bia, đôi "Bạch Mã" và cầu thang leo lên thêm chút nữa (thực ra có đáng lên như thế đâu, rõ lắm chuyện). À, nếu soi kỹ thì quả cầu thu sét trên đài xưa là của Úc (mầu vàng, hình cầu, trị giá nghìn đô) nay được thay bằng hàng Pháp(? theo như tôi biết, trắng, hình trụ nhỏ hơn).
Một điều may mắn là lên núi khi sương giăng mưa nhỏ thì xuyên lên trên trời quang nắng nhẹ, vừa mát.
Mùa xuân các loài cây phô diễn hoa lá mầm chồi, chỉ riêng lá non của chúng đã làm nên bức tranh nhiều mầu sắc.
Trương Cảm, anh cán bộ kiểm lâm tự thuật xuất thân lâm tặc vì nghèo đói, tận tình đưa đoàn khách đi thăm tuyến dễ Vọng Hải Đài thuyết minh liên tục về những cây, những dấu tích xưa gặp trên đường. Thế hệ tiếp sau của anh là Trương Bảo Lâm, bảo vệ rừng. Anh bảo vệ rừng từ việc xin lỗi cây khi làm nó đau cho tới cảm hóa những người bạn lâm tặc chuyển sang kiếm sống bằng nghề khác "sinh thái" hơn.
Con đường ngoằn ngoèo dưới xa, con diều bay ngay trước mặt mà không kịp chụp và cây bồ công anh "tung của" trên đỉnh, Vọng Hải Đài.