Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

Hải Đội Hoàng Sa, bài hát và tâm sự của Trần Bắc Hải k5 trên sóng PT TpHCM

...đã được Trần Bắc Hải đưa trên Bạn k5 Trường Trỗi. Sẽ là thiếu sót nếu không đưa trên đây, một trang chuyên về miền Trung của bạn Trỗi.

Bản dưới đã cắt phần giới thiệu, còn gần 6 phút

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

XIN ĐỪNG GỌI TÊN ANH LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH



BÀI THƠ KÊU GỌI TRÁCH NHIỆM CỦA MỌI NGƯỜI VỚI CÁC LIỆT SĨ

(Dân trí) - Dáng người gầy đứng trong nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào mắt anh đượm buồn và đăm đăm nhìn vào những ngôi mộ liệt sĩ, miệng cứ lẩm bẩm sao lại vô danh? Sao vô danh nhiều thế? Không thể vô danh! Mà phải sửa là liệt sĩ chưa rõ họ tên mới đúng.

Bài viết đăng trên báo mạng

Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh

Tác giả: Nhà thơ Văn Hiền


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh Anh tròn ngày, tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh nhận ra lưỡi cày, lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi Anh khôn lớn
Tháng Tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác.
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh.

Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia
Những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không mất tên Anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình
nỗi đau xanh cùng năm tháng.

Vinh, tháng 7/1993


Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2010

Nỗi nhớ Ba-Người lính.

(Viết cho ngày 22-12)

Tôi nhớ mãi những ngày sống bên đất Quế lâm, cứ chủ nhật, tụi Khắc Hải, Quốc Khánh vẫn tung tăng hớn hở đi ra Thành phố đến khu an dưỡng cán bộ Miền Nam để thăm ba chúng nó đang ở đây. Những lúc ấy, tôi thường thấy hụt hẫng, buồn và thèm đến lạ cái cảm giác và ao ước một ngày có người đến gọi” Luân đấy con, ba đây!” để tôi được chảy nước mắt, ùa vào lòng Ba ấm áp và tự hào với lũ bạn… Những chủ nhật buồn cứ thế trôi đi, mang tuổi thơ tôi chìm dần theo năm tháng cô đơn, buồn tủi.

Rồi tôi cũng lớn lên vô tư như bao chúng bạn, học hết lớp 7, tôi về nước, cũng lại là đứa nằm trong đợt về cuối cùng vì không có ai đón về nhà. Buổi sáng ở ga Hàng Cỏ, trước khi lên xe về trường HSMN số 1 ở Đông Triều, Từ Vân đến chào ở lại, xe thêm thưa người, càng gợi cho tôi nỗi buồn, nhớ và thèm có Ba bên cạnh. Những năm tháng ấy cứ vậy qua đi, Tôi vẫn sống, cứ hy vọng và chờ đợi đằng đẵng như thế . Chỉ đến sau ngày đất nước thống nhất, bạn bè chia tay nhau trên đất Bắc, tôi mới biết Ba mình đã hy sinh trước ngày tôi sang Quế chỉ sau ngày mẹ tôi mất có 1 tháng trời. Từ đó, tôi mới biết mình mồ côi và lầm lũi bắt đầu bước vào cuộc sống của một kẻ không nơi nương tựa với những năm tháng khốn khó cuộc đời.

Cũng từ ấy, tôi đi tìm Ba tôi qua mọi người, những người thân còn lại, những người đồng ngũ với Ba…nhưng chẳng ai biết. Người nói Ba ngã xuống nơi đất Nam trung bộ, người thì bảo Ba hy sinh trong trận đánh ở Miền đông Nam bộ…Chỉ duy có điều họ đều nói là trận đánh ấy ta mất nhiều lắm, Ba nằm lại, đồng đội không lấy được xác. Và rồi năm tháng chiến tranh cứ thế triền miên, những mảnh đất ấy bom đạn cày lên cày xuống không biết bao lần…Và Ba ơi đã là cát bụi như bao đồng đội của ba ngã xuống để trở thành những liệt sỹ vô danh trên chiến trường. Cho đến giờ, nửa đời người rồi, tôi vẫn không biết, không tìm được ba tôi nằm đâu.

Rồi tôi trưởng thành, có gia đình, có công việc song nỗi đau riêng về ba thì còn mãi. Tôi vẫn không nguôi mơ ước có một ngày có người lính già trở về hỏi tên tôi và nói: Ba đây, như câu chuyện nào thần tiên tôi có lần đọc trên báo. Và rồi thành lệ, cứ ngày này, hàng năm, 22 tháng 12, tôi lại làm mâm cơm, thắp nén hướng để tưởng nhớ ba, nói chuyện với ba về cuộc đời qua tấm hình Ba còn để lại. Ba tôi trẻ lắm, ngày hy sinh mới 28 tuổi. Có lẽ vậy mà cả cuộc đời mình tôi luôn có ấn tượng, thiện cảm đặc biệt với những người mặc áo lính. Bởi đấy là màu áo ba tôi đã mặc, họ là đồng đội Ba tôi. Vậy nên, khi xem tấm hình các Quế lính hát Khúc quân hành mà bạn Quế gửi qua trang Bạn trường Bé, tôi cứ thấy cay nơi sống mũi. Nỗi nhớ về ba lại cồn cào khôn nguôi.

Những năm bên đất Quế, cấp 1, tôi học với những đứa bạn cùng tuổi và đều sinh ra lớn lên trên đất Bắc. Lên cấp 2, tôi mới bắt đầu được học với các anh chị lớn tuổi hơn từ Miền Nam ra. Trong tôi lúc áy, các anh chị thật đẹp, oai phong, bởi tôi nghĩ các anh, các chị đều là những dũng sỹ diệt Mỹ, những người từ chiến trường ra. Vậy nên tôi và những thằng bạn chỉ dám đứng xa chiêm ngưỡng, thán phục chứ không dám lại gần chơi cùng như đám con gái. Tôi vẫn nhớ anh Vân, anh Vinh với những chiếc mũ tai bèo mà lũ chúng tôi lúc ấy coi là tài sản quý giá thèm khát ao ước có được nhất. Và trong sâu thẳm, tôi vẫn thầm hỏi không biết các anh các chị có một lần gặp ba tôi không. Tôi cứ vậy, nhớ Ba qua những suy đoán trẻ thơ của mình. Lâu rồi thành kỷ niệm không quên.

Viết những dòng này tôi muốn cảm ơn, chia xẻ, chúc các Quế có may mắn hơn tôi biết trân trọng gìn giữ những báu vật hạnh phúc mà các bạn đang có trong cuộc đời mình: đó là Ba Má, gia đình mình.

Không biết trên cao, Ba tôi có nghe thấy những lời này không?

NGUYỄN THÀNH LUÂN

Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Vợ chồng Ba "châu" k7 lên đời thành "người phố"

...nhờ quyết định của anh Ba "dũng", he he...
Nhân dịp này chúc mừng vợ chồng Ba châu (ngồi giữa) lên đời thành "người thành phố".

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

Có việc cho các bác Bình Định đây

Người ta đang kêu Tháp Cánh Tiên của các bác được trang bị vũ khí sinh hóa khủng bố du khách.
Hay là các bác điều người miền biển lên sống trên tháp này cho có vệ sinh?

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

HẮN ĐÃ PHẢN BỘI VỢ "CHIỆN" CÓ THẬT

Khi viết những dòng này hắn vẫn đang trong tâm trạng hổi hộp khó tả,băn khoan không biết mình viết ra người đọc có hiểu không. Song có một “ sức mạnh” nào đó cứ thôi thúc hắn phải ghi lại câu chuyện này, người có thể thông cảm,người có thể cho là chuyện dớ dẩn, thôi thì…

Trước tiên cũng xin kể gia cảnh của hắn, so với anh em bantroi hắn thuộc vào hàng vợ muộn, con muộn…Thì cũng do hoàn cảnh lính cả thôi, sáu năm học trường y ra trường vì trai trẻ nên tỗ chúc rất ưu ái phân công về những nơi xa xôi ,hải đảo nơi chỉ cólính với lính. Khi được rời chiến trường về học chuyên khoa ( cũng là may mắn khi ông tiểu đoàn phó đơn vị vô tình biết hắn được đi học nhưng BTLV5 giấu đã kiên quyết đòi bằng được,lần đầu ở Cam ranh cũng bị BTLV3 ỉm rồi). Vì thời gian tập trung đã quá nên ông D phó nói mày cứ về đi kịp thì học, không kịp thì về quê lấy vợ, bao lâu cũng được ,xong thì về đơn vị. Hành trình về đi học cũng rất trần ai từ Hòn Ông (Poloway) Về Côtang, quay lại Poloway, về Côn tang chờ về Xihanucvin , chờ về Phú quốc, chờ về Rạch giá về Sài gòn .Cuối cùng cũng về được HVQY .Khi đó cũng đã 28,29 tuổi rồi, gặp lại bạn bè, chúng quyết tâm tìm vợ cho hắn…chuyện cũng xuôi chèo lắm, nhưng đến đoạn kết lại xôi hỏng bỏng không, mà sau này bình tĩnh lại hắn cho lỗi chính tại mình. Về Sài gòn ,ba mẹ hắn dục lấy vợ liền tỳ, vì cứ thấy hắn chây ra. Thôi thì phải làm nghĩa vụ với các cụ chứ ,cũng đã 30 cái lá vàng rơi rồi còn gì.

Hắn lấy được vợ không biết là do may mắn ,hay do cái duyên trời sắp đặt. Hôm đó, phòng khám mời ra cấp cưu một ca, ra là một cô gái. Sau khi khám xong, bệnh tình không có gì nghiêm trọng, cho thuốc lưu phòng khám theo dõi mai về đơn vị. Thằng em BS k9 hôm đó cũng có mặt xui : em này xinh ,đằm lắm ông anh tấn công đi…Ấy vậy mà cuối cùng bốn năm sau, bây giờ cố ấy là mẹ của hai thị tẹt nhà hắn. Chuyện có vẻ dễ nhưng không, trần ai đấy, cũng nhất cự li nhì cường độ, tác chiến trên mọi mặt trận, có lúc dường như thất bại 99.9% rồi đấy…Thời gian đưa đẩy thế mà cũng 27 năm rồi , hạnh phúc buồn vui có cả. Cái khổ nhất có lẽ càng sống lâu với nhau càng ngày càng bộc lộ ra những điều mà ngươi ta hay nói: không hợp. Trước tiên tuổi tác hơn vợ gần 10 tuổi (điều này hắn cho là thường thôi), không hợp khẩu. Trời ạ chuyện này thì quá đúng , nếu có cái gì đó để xác nhận trện 100% ,1000% thì hắn giơ cả hai tay. Chuyện nhà cửa cãi, chuyện con cái cãi, chuyện mua sắm cãi, tất tần tật cái gì cũng cãi. Hắn bực mình hoang mang, không biết sao lại thế, mọi người xem tuổi thôi rồi chúng mày khắc khẩu là cái chắc: Vợ Tý, chồng Dần… Cảnh của các gia đình nói chung, cũng lắm khi không yên ấm, riêng nhà hắn cũng có lúc khủng hoảng nghiêm trọng, hắn hoang mang day dứt không thôi, mình có sai lầm gì, mình có yêu vợ không? Câu hỏi đó nó hay lởn vởn trong đầu làm hắn không yên.

Hôm qua chủ nhật, sau khi họp CB cuối năm xong hắn đã hẹn hai vợ chồng đi mua bộ Salon, ấy là mấy tuần trước chọn được rồi,đặt cọc rồi nhưng cửa hang không xong nên đi mua chỗ khác, chỗ cô vợ chọn. Lúc đầu thì hắn thấy nhà chật nên mua bộ tràng kỷ, kéo ra thành giường cũng tiện lắm,nhưng đến nơi thấy có bộ Salon đèm đẹp hắn đổi ý mua cái này… vợ cũng xong luôn, song cẩn thận hắn hỏi lại nhiều lần song vợ cứ yên. Ấy thế mà khi người ta giao hang xong, săm soi đủ thứ thấy chỗ nào không hài lòng là trút hết lên đầu hắn, cãi nhau ,con cái cũng ý kiến ba me đừng cãi nhau nữa,phát xấu hổ với chúng… tuy chuyện con cái chứng kiến “chiện” này hà rầm…Một ngày mệt mỏi rồi cũng trôi qua, cả nhà ngủ hết hắn vẫn ngồi một mình xem Tivi ,xem mãi mà không thấy buồn ngủ, thôi muộn rôi cũng phải nghỉ thôi. Lên phòng vợ đã ngủ luc nào,nhe nhàng hắn xếp gối , nằm mãi mà không sao ngủ được…

Hắn cùng chúng bạn , đang trên vùng đất trung du, đơn vị phân tán mọi người về ở nhà dân, nơi miền quê mà hắn rất yêu thích. Phong cảnh nông thôn, bờ tre, nhà tranh vách đất, cây bưởi, cây chanh, ruộng lúa ,cái ao tù, con gà,con chó, con người nhà quê làm hắn thấy sao mà ấm áp thế. Nhà hắn ở có ba người, một bé gái, một thiếu nữ và bà mẹ. Lạ một cái là chỉ có bà mẹ là hắn thấy mang máng còn hai người kia không tài nào hắn nhìn rõ được. Tá túc trong nhà, hắn nhận được sự chăm sóc của gia đình, nhất là của cô chị. Người con gái đó lặng lẽ,dịu dàng săn sóc, cho đến luc nhận ra có một cái gì đó không bình thường đối với một người khách như hắn. Sự ân cần của cô làm hắn thật sự cảm động, hắn đón nhận với lòng biết ơn…Khi cô lặng lẽ ngước nhìn , trong sự mờ ảo hắn vẫn nhận được một thứ tình cảm rất đặc biệt mà cô dành cho , hắn ngộp thở, run rẩy ,quay cuồng. Lẽ nào đó là tình yêu cô dành cho,hoang mang hắn nhắm mắt, ôm đầu…Cũng phải thôi vì từ khi lớn lên hăn chưa được ai săn sóc dịu dàng là vậy. Hắn đâm mơ mộng mung lung,giá mà thế này thế nọ.

Rồi thì cũng đến ngày kết thúc chuyến Dã ngoại, lính ta lục tục chuẩn bị xuôi. Ô hay Sao lại thằng Chi gà vai đeo ba lô còn cầm cái ghita đứt giây, chạy qua ý ới kiếm thằng Lưu thẹo, rồi lại thằng Chiến dế chạy đi chạy lại tìm đứa nào đó inh ỏi. Chúng đang vội vàng tập trung để về. Cô bé con nhà chủ gọi anh ơi, xuống ăn cơm rồi hẵng đi,mẹ đang dưới bếp đấy,tôi ừ hử nhưng vẫn đứng tại chỗ như trời trồng vì bên tôi là cô gái. Cô ngiêng đầu ngước mắt nhìn lên. Run bần bật ,sao lại thế này,nhưng không kìm nổi hắn quàng tay ôm cô gái, đặt nhe nhàng một nụ hôn.Lúc này dù trong cái mờ ảo hắn vẫn nhận ra một gương mặt rất gần gũi, hắn hoang mang ,mình đã làm cái gì thế này, sao mình lại phản bội vợ… mình yêu cô ấy rồi… Con ơi! Lên nhà ăn cơm rồi còn về đơn vị, bừng tỉnh hắn vội vàng buông cô gái ra, chạy vội lên nhà,há hốc mồm hắn cứ trân mắt nhìn bà mẹ, ô! …ô!...là mẹ . Tiên sư anh! không mẹ là ai…

Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

TẤM BẰNG ĐẠI HỌC TẠI CHỨC

MF đưa topic này lên hòng biết ý kiến các anh chị bạn bè. Vì MF cảm thấy rất khó xử nếu ai hỏi mình chuyện này.

Từ khi bước chân vô dạy trường Đại học, MF đã vấp phải cái câu chuyện tại chức này. MF học sư phạm ra, lại dạy 2 năm cấp 3, một lứa học sinh trong trẻo, hồn nhiên, thông minh. MF thả sức vận dụng các bài học làm thầy từ tấm bằng Đại học và từ tấm gương làm thầy của các thế hệ thầy cô giáo của mình! Môn sinh học, năm đầu tiên MF dạy lớp 11, chủ đề về sinh lý học, còn trẻ quá, chỉ lớn hơn học sinh vài tuổi, nên trong các bài học sinh lý sinh dục, bị học trò trêu, nhưng cô giáo có thương hiệu “HSMN. Quế Lâm” mà, đâu ngán gì chúng nó, dạy tới số, nói tới số, kể chiện li kỳ lun, làm tụi nó… há mồm, hết đường chọc! Cùng năm, MF dạy 5 lớp 10 môn tiến hóa học, học xong bài học chúng nó hè nhau rầm rầm đi khắp nơi tìm mẫu thật, kiếm sách vở báo chí cắt hình thuyết minh cho bài học, cô Ngọc Lan trưởng bộ môn phê bình MF trong buổi họp bộ môn: cô làm như chúng nó chỉ học mình môn cô! Chúng nó đi phá hết cây cối, sách báo rồi kìa! Trời đất, MF đâu có bảo chúng nó thế, chỉ có cho bài tập về nhà sau mỗi bài học thôi mà, ai chỉ cần có một vài mẫu đơn giản nhưng đúng chủ đề là được điểm cao mà! Nhưng vì sự hiếu chiến của lớp trẻ, chúng nó thích chứng minh nhận thức của mình! Năm thứ hai, lần đầu làm chủ nhiệm lớp, vất vả với 60 đứa học trò mà chỉ 13 đứa con gái, nhưng MF mê học trò như mẹ mê con, thỉnh thoảng chúng nó hư mắng, nhưng ngày nào không có giờ cũng đến trường, ngồi dự giờ lớp, chỉ vì nhớ lớp, nhưng thấy chúng nó cứ lấm lét quay lui dòm cô, mới chợt nghĩ ra nó tưởng mình dự giờ để theo dõi lớp! Sau đó thôi, nhớ lớp thì ngồi nhà viết nhật ký về chúng nó! (Bi giờ con chúng nó lớn hơn con MF, mà mỗi năm 2 lần chúng nó tập trung nhau lại bắt MF đến làm cô cho chúng nó được trở lại thời thơ ấu!)

Cuộc đời đưa đẩy, sau 2 năm tập sự, MF đi học cao học (vì nghĩ vô lý từ này mình chỉ yên phận làm một công chức, ngày ngày cắp cặp đi làm, trong khi hắn vốn là một hsmn nay đây mai đó như dân du mục, quen rùi!) Hồi đó (1981) việc học cao học nghiêm trọng lắm, không phải như bây giờ. Thế nhưng MF quyết định đi thi. Đỗ. Học 2 năm, về lại: Bây giờ chỗ cô ở bộ môn đã có người thay thế, cô phải chờ đến khi có nhiệm sở mới! Hic!Sau một năm ăn không ngồi rồi không lương, (có gạo nhưng hằng tháng phải đến sở GD xin giấy đi mua, thấy phiền toái không ra cái gì, MF bỏ việc xin giấy mua gạo luôn, ở nhà ăn bám ông bà già) họ gọi MF vô dạy trường sư phạm mẫu giáo tỉnh, lý do là MF có bằng cao học chuyên về sinh lý người và động vật, nên có thể dạy môn sinh lý trẻ tốt ở đó! Hic, tuy nhin, ok thui, còn hơn ngồi không ở nhà (thật ra có đi nộp đơn một vài trường ĐH, trong đó có trường MF dạy bi giờ, nhưng trường nào cũng nói “hồ sơ còn thiếu!”, MF chịu, không nghĩ ra thiếu cái gì). Khi đó MF thích được dạy ĐH lắm, vì nghĩ rằng mình sẽ có một đối tượng học trò chuyên sâu hơn, trí tuệ hơn để mình mặc sức đào sâu với chúng nó những gì mình ham thích! Và chắc chắn đó sẽ là môi trường cho mình thỏa nguyện một mơ ước từ thời thơ ấu là làm nghiên cứu khoa học! Nhưng phải chấp nhận hiện tại đã, môi trường nào cũng là môi trường sư phạm, MF lại lao vào nghiên cứu các bài giảng về sinh lý trẻ, ví dụ tại sao trẻ dưới 5 tuổi hay tè ra quần? cô giáo mẫu giáo phải hiểu điều đó để nếu thấy vậy thì đừng đét đít cháu!... Thế mà năm ấy MF đã đăng ký đề tài làm phó tiến sỹ về ngành học này đấy, nhưng mà… cuộc đời lại trôi nổi, vì gặp người cao tay ấn, ấn MF thụt ý chí lại để nghiên cứu sinh… con! Hic

Rốt cuộc, có hơi muộn, nhưng MF cũng thỏa nguyện, khi được anh Trần Đình Từ trưởng khoa Chăn nuôi thú y thông báo khoa đang tuyển giảng viên môn sinh lý gia súc! Sẵn cái bằng cao học về sinh lý là lợi thế để MF về trường mà không bị rào cản chi lớn, cũng là bởi gặp anh Minh trưởng phòng tổ chức có một không hai (khách quan và không đòi hỏi một điều kiện gì khác ngoài bộ hồ sơ mà anh nói là: Cô là người chúng tôi đang cần! ), sau này anh trở thành hiệu trưởng, MF luôn tin tưởng anh là một người lãnh đạo có tâm! Khi về khoa, MF mới biết tại sao khoa cần người, môn học của MF đảm trách vốn có 2 người, nhưng hai anh đều đang chuẩn bị đi học nước ngoài! MF chân ướt chân ráo, chưa biết chi sâu sắc về heo ca gà vịt, nhưng phải gánh luôn gần một ngàn tiết dạy qui đổi, cả hai hệ chính qui và tại chức! Sao mà lắm lớp tại chức thế, lại toàn ở các vùng xa xôi hẻo lánh! Vì vậy MF hiểu sâu sắc, ĐH tại chức là như thế nào? Thật ra hệ tại chức của ĐH nông nghiệp có khác với khác trường khác, làm nhiệm vụ đào tạo là chủ yếu, chớ không phải hoàn toàn là cái “niêu cơm” như phó thủ tướng từng ví thời ông đang làm Bộ trưởng. Vì ở Việt Nam, phàm cái gì gắn liền với từ “nông nghiệp” thì có nghĩa là còn nghèo! Chớ thực ra chưa có cái lạc quan tếu táo “ nhất nông nhì sỹ “đâu. Tuy nhiên, nghèo, nhưng hệ tại chức nghèo cũng có cái sự “tại chức” của họ! Về giảng dạy trường Đại học, cú đầu tiên cho MF rớt cái đùng là nền tảng kiến thức của các sinh viên trẻ chính khóa! Sao mà đầu óc họ mù mịt, hỏi gì cũng rất hiếm người biết (chẳng bù cho những năm dạy cấp 3, hỏi một câu là chúng nó rào rào giơ tay, trả lời bóc bóc, nhiều câu hỏi MF thử đánh đố vòng vo trong kiến thức, chúng nó cũng … biết tuốt! Nhiều vấn đề chúng nó biết hơn cô! ). MF đi hết thất vọng này đến thất vọng khác. Nhưng không phải lỗi tại ai, mà lỗi tại lớp trẻ chê … ngành nông nghiệp, nên ai học giỏi dại gì vô trường này (đến giờ chúng nó vẫn thế, nhưng nhờ vụ “điểm sàn” mà các thầy cô dễ thở hơn). Thời ấy, thi khoảng 7, 8 điểm, thậm chí thấp hơn chút, cũng có hy vọng vô ngành nông nghiệp. Rồi thì các lớp R (gọi là lớp riêng, hay lớp rừng, lớp ĐH cử tuyển hệ miền núi), họ ngồi nghe bài giảng như vịt nghe sấm, hỏi gì họ mỉm cười vui vẻ và … lắc đầu! Sau đó là… hệ tại chức! Hệ này không học tại trường, mà địa phương nào mở thì quản lý tại trung tâm đó, hợp đồng với trường mời giáo viên dạy! Thực tình mà nói, chỉ hơn một nửa sinh viên này là “tại chức”, còn thì là học sinh thi không đỗ đại học chính qui! Các lớp này thường có một ban cán sự rất tề chỉnh, thầy cô mới tới là nghênh đón tại bến xe, ga tàu. Chở về sắp xếp chỗ ăn ở, xong rồi mời đi ăn cơm và … thông cảm: cô ơi, bọn em lớn tuổi, bân bịu công việc…

Đành là biết thế, nhưng ít ra khi họ tốt nghiệp, họ cũng có tấm bằng đại học mà, họ cũng được trọng vọng như bất kỳ ông cử nào khác, thậm chí còn nhanh chóng được cất nhắc cao hơn! Vậy các anh chị cũng cần học nghiêm túc, mặc dù chúng tôi hoàn toàn thông cảm! Dạ, nhưng mà…rồi thì họ, cái ban cán sự ấy, thường là người nghỉ học nhiều nhất, vì họ thường là cán bộ có chức quyền, và rất bận … họp! MF đổ cáu, dù các anh có là ông gì, nhưng bây giờ chấp nhận vô học lớp này, thì đang là học trò tôi, nếu không đến học, nghỉ luôn lần sau học lại! Họ có đến ngồi trong lớp thì không ngủ gật cũng sờ cằm nhổ râu là chủ yếu, hỏi tới thì giật mình cái rụp dáo dác nhìn quanh! Đứng lên gãi gãi đầu, dạ dạ… Ngó bưa đời! Chỉ chực chờ đến giờ giải lao, nhào ra rít thuốc, nhìn trời nhìn mây tán dóc! Thực ra, có một số anh đi học rất nghiêm chỉnh, dù có khó khăn trong tuổi tác, nhưng những người càng lớn tuổi, ngồi học dường như càng cố gắng hơn, mặc dù kiến thức cơ bản họ chẳng có bao lăm, nhưng họ mạnh hơn sinh viên chính khóa về mặt thực tế, cho nên đến những buổi seminar, hoặc thực hành tại trang trại, họ lại rất hào hứng và làm việc rất hiệu quả, ngược lại, trong những buổi này MF lại học ở họ rất nhiều (tên MF này hoạt động hơi lộn chuồng mà). Đặc biệt là các lớp tại chức thú y. Nhưng số đó không nhiều. Phần lớn họ cho rằng, đến lớp cho có lệ, rồi thế nào cũng lấy được tấm bằng thôi, vì ta đã trả tiền rồi mà! (nghe muốn bẻ gãy cọng bún!) Vì thế đôi lúc thái độ của họ đối với giảng viên cũng không thể hiện sự trân trọng, họ cho rằng các giảng viên đi dạy đã được trả bằng tiền họ nộp (hic, họ có biết đâu rằng các giảng viên ĐHNL phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chăn ấm nệm êm, đi đến tận mấy nơi đèo heo hút gió ấy để ăn ở như thời hậu chiến (vừa rồi vô dạy xứ anh Trỗi NT, nơi được cho là một trong những trung tâm tại chức khá nhất, MF thỉnh thoảng đi ăn cải thiện bằng mì ổ và cháo lòng, vì cơm không nuốt nổi), chỗ ở nào cũng nghe đồn có ma, có gan mấy, đêm đêm nằm một mình gió hun hút cũng sợ hết vía, ngày lo dạy 9 đến 10 tiết cho hết mau mà chạy về, nhưng chỉ có đến khi nào giờ giảng vượt quá qui định (như MF là một năm phải giảng 290 tiết trong tiêu chuẩn), thì mới được tính 14 ngàn một tiết vượt giờ! Mỗi lần đi tại chức là đổ đau! Sinh viên theo lệ cứ khi nào thầy cô về thì phong bì cho vài trăm, gọi là “mua quà cho các cháu”! MF thường không bao giờ nhận phong bì của sinh viên, không phải mới đây nghe sự hô hào, phản đối của bà con và báo chí đâu nhé! Cứ hỏi ai từng học MF thì biết, chuyện này kể sau, nhưng SV tại chức thường đồn nhau “cô ấy khó tính lắm”, vì vậy một lần MF dạy ở Nam Đàn, một anh cán bộ lớp đến nói thẳng với MF như vậy, và mong cô thông cảm với lớp, MF chỉ cười. Sau khi dạy xong, tạm biệt lớp, MF nói: tôi nhận quà của lớp, nhưng tôi gửi lại ở lớp để khi nào có ai đau ốm, khó khăn nhờ lớp thăm hỏi dùm tôi, chính anh ấy lại nói: sao cô ngó hiền vậy mà họ đồn cô khó? Khó có lúc mà dễ có lúc. Anh không thấy tôi bắt anh chủ tịch huyện phải đến lớp đều đó sao? Nhưng là tôi nghĩ là các anh đã muốn đi học, nghĩa là các anh muốn có tri thức, cái đó đi kèm với bằng cấp!

Lại còn chuyện hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, cũng trên quan điểm, ít nhất sinh viên tại chức cũng phải có một luận văn có ý nghĩa, để sau này ít nhất họ cũng có thể đem ra dạy con họ chứ? Nên ai được phân công làm với MF, thì thường được yêu cầu làm một nghiên cứu nghiêm túc, dù nhỏ và đơn giản hơn hệ chính khóa (vậy là ưu tiên lắm rồi). Có lẽ vì chuyện sau đây làm MF bị đồn là “khó”, cách đây phải hơn 15 năm rồi, MF hướng dẫn hai sinh viên ở Nghệ An làm đề tài thực tập tốt nghiệp, một anh (nghe đâu kế toán trưởng của một xã), sau khi triển khai đề tài, anh vào Huế, đến nhà, đưa một phong bì, nói: nhờ cô làm số liệu rồi viết giúp em, chứ em không thể nào làm được! Anh có muốn tôi cho trượt ngay bây giờ hoặc trả lại cho trường không? Dạ, em nói thiệt tình… anh mở phong bì tôi xem! (không dám)! Mở ra! dạ! bao nhiêu? Dạ triệu rưỡi! Được rồi (hình như mừng, nhưng xịu xuống ngay), bây giờ thế này: tôi không nhận, nhưng anh cũng không được cất "nó", anh dùng "nó" thuê các nông hộ làm thí nghiệm như tôi đã hướng dẫn, sau đó kết quả thế nào tôi sẽ giúp anh xử lý và báo cáo, vì đó là nhiệm vụ của người hướng dẫn! Anh ấy xịu mặt năn nỉ, nếu anh còn nói thêm, tôi mời anh đi ngay bây giờ, còn không tôi mời anh ở lại trong nhà, sáng mai có tàu về sớm! Sáng ra, anh sang phàn nàn với phụ huynh MF: đêm qua con không ngủ được! Phụ huynh cười múm mím! Sau đó người thứ hai vào, mới bước vào nhà, MF hỏi: đem bài vào hay đem phong bì? Anh ta có vẻ bối rối, MF bảo anh ta gọi điện cho anh kia để biết tình hình, sau đó anh ấy xin phép ra ngay cho kịp tàu! Về sau, các sinh viên này đều tốt nghiệp khá cả. Điều đáng nói là điều đó chứng tỏ họ coi thường giảng viên, có thể do một số tiền lệ làm như thế. Nhưng cũng phải có những người làm cho họ nghĩ khác đi về những người hướng dẫn họ học. Thiết nghĩ ai có tâm, họ cũng làm thế cả, cớ gì một HSMN lại không? Tuy nhiên, sinh viên tại chức vẫn thích cái gì khỏe khỏe, lấy được bằng, mà khỏe! MF đã từng trả sinh viên lại cho trường, khi họ chỉ muốn làm khỏe khỏe như vậy, có người kiện lên trường, các ông trưởng khoa nổi cạu với MF: sinh viên tại chức thì cho họ cái điều tra dễ dễ là xong việc thôi, làm chi mà phải nghiên cứu nghiên kiếc này nọ. MF cạu lại: vậy thì cấp cho họ cái bằng cho khỏe, cớ gì phải bày đặt đào tạo, tốn tiền, tốn công?

Nói thì nói vậy đó, nhưng nếu không có hệ tại chức, thực sự nhà trường không thể có nguồn nào hơn để tự cung cầu, trang trải cho cuộc sống cán bộ công nhân viên. Không thể trông mong nhiều vào học phí sinh viên, vì sinh viên nông nghiệp thường là nghèo, nên mức học phí cho họ thấp hơn các trường khác, chưa kể số nhiều là dạng được miễn, giảm! Lương MF sau 31 năm làm việc, nay là 233 USD/tháng (tất tật kể cả các loại tiền chính sách, phụ cấp, theo tỉ giá USD hôm nay). Nói ra nhiều lúc khó giải thích với kể cả bạn mình ở Hà Nội, Sài Gòn, chứ chẳng kể gì người nước ngoài. Các cấp lãnh đạo trường trằn mình tìm cách nâng phụ cấp cho cán bộ, giáo viên. Xem các đề tài dự án về trường như một nguồn đầy tiềm năng (nên cắt xén không thương tiếc)! Vậy, nếu không có hệ tại chức, cũng khó lắm! Bây giờ nếu coi thường tấm bằng này, sẽ không ai học nữa, dân trí cũng có đi xuống đấy (có một số học hành nghiêm chỉnh mà!), và chắc chắn đời sống CBCNV, GV các trường Đại học sẽ khó hơn.

Nói như anh Hữu Thành anh Minh (AMk3) bên Trỗi, nên xem lại cách tổ chức và quản lý như thế nào, để trước tiên chính học viên trân trọng tấm bằng của chính họ cái đã!

Q.MF

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Sự kiện ở Đà Nẵng

Các anh Trỗi nghĩ sao về sự kiện này ở Đà Nẵng?

Cù lao Chàm

Người Chăm có ra đến ngoài đảo này hay không mà tên Cù lao Chàm. Chàm với Chăm là một mà? Ơ, cái thằng Maps.Google.Com này láo thật, giờ vẫn để "biển Nam Tầu" ở ngay cù lao Chàm của mình.
Như bài trước tôi đã viết, tháng 6/2006 mấy anh em tôi vào đưa tang bà o. Việc gấp nên đi máy bay vào, rồi lại đi ra. Nhưng mà trước khi ra lại Hà Nội thì, với tinh thần 2 trong 1 mới lãi, chúng tôi đi ra thăm cù lao Chàm một buổi.
Hồi đó đi cù lao Chàm không thuận tiện như bây giờ. Có thể vì tinh thần du lịch lúc đó thấp, ít người đi nên tầu nhanh chỉ có bến ở Đà Nẵng. Mà phải đăng ký đủ khách mới đi thì mình biết chờ tới bao giờ?
Vậy là thuê một chuyến thuyền riêng. Loại thuyền của dân biển, nho nhỏ, gắn máy đuôi tôm công nông. Ra khơi nhờ tay lái vững, hướng thẳng tới cù lao, cách bờ biển Hội An khoảng 12km.
Tới hòn đảo "tiền tiêu" gã dân chài dừng thuyền, đưa cho anh em tôi hai cái kính mắt với một ống ngậm thở để nhìn trong khi lượn lờ trên mặt nước. Nước ở đây trong, đáy đá tảng, không có cát hoặc bùn, không có san hô rong rêu gì nên thuần một mầu xám xịt. Thỉnh thoảng gã chài chỉ điểm cho con ốc dính chặt vào đá có hai mảnh vỏ mở ra. Loại này mà to, kẹp tay mình lại thì chỉ có dính ở đấy chết đuối.
Khu bảo tồn biển Cù lao Chàm gồm mấy hòn đảo, được khoanh vùng bảo tồn với một dự án của chính phủ Đan Mạch. Trong đó có mấy rẻo bờ biển, chắc là chỗ có bãi cát thoải, làm khu du lịch.
Ngoài phần nhỏ ít dốc, có đất thì cù lao Chàm toàn đá, độ dốc cao tuột xuống luôn dưới mặt nước nên nói chung giống như là hoang đảo.
Từ ngoài xa nhìn vào chỉ thấy có lèo tèo mươi nóc nhà, với một cái cầu tầu.
Khi lên bờ rồi mới thấy ở đây đã sẵn sàng đón khách, có là kết quả của dự án bảo tồn. Đường sá nhỏ, biển chỉ chu đáo.
Âu thuyền tránh bão đã hoàn thành. Những ngày biển động, thuyền được đưa vào đây tránh. Một đoạn sóng lớn có đi qua cửa hẹp thì vào đây cũng bị tan biến với bề mặt rộng của âu thuyền, hết sức phá hoại.
Bãi đỗ trực thăng mới hoàn thành.
Nhìn xuống bãi Ông từ sân đỗ. Người ta nói có một miếu thờ Ông (cá voi) trên bãi. Rẻo cát đẹp.
Chúng tôi thấy một tầu du lịch quay mũi rời đi. Có lẽ cái cầu tầu bằng gỗ nhỏ kia để phục vụ cho những tầu du lịch như vạy. Nếu không cần dịch vụ gì ở dân đảo, bãi Ông này là một chỗ chơi khá thú vị?
Chùa Hải Tạng, chắc là duy nhất trên đảo.
Ban thờ
và hai mươi điều... khó.
Tại sao lại là hai mươi điều khó mà không phải là răn, khuyên?
Trên đường về, thuyền đi qua gần một đảo có yến sống. Người ta phải xây dựng ít công trình ở kề ngay bên phục vụ bảo vệ và khai thác.

Đó là chuyện bốn năm năm trước. Nghe nói bây giờ từ Đà Nẵng hay Hội An đều có chuyến đi hàng ngày ra cù lao Chàm bằng tầu cao tốc, rất thuận lợi. Chợt nhớ giá mà chuyến gặp mặt Đà Nẵng năm ngoái biết thế thì đã lại ra.

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Tháp Chăm

Tháp Chăm (theo vi.wikipedia.org), hay còn gọi là tháp Chàm, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Có thể thấy vị trí phân bố các đền tháp là những nơi từng là nơi ở của người Champa, xa hơn nữa còn có những ngôi tháp có thể coi là tháp Champa trên đất nước Camphuchia như tháp Damray Krap. Ngược lại, những yếu tố Java hay Khmer cũng được thấy trên các tháp Champa như ở Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long, hay có cả những ngôi tháp còn được người Champa gọi là "tháp Khmer" như tháp Champa Hoà Lai.
Các tháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.
Ngày 1 tháng 10 năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích-di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố thông tin: các nhà khoa học của Đại học Milan, Ý khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G-thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài trăm năm. Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã. Trước đó, một người thợ thủ công tên là Lê Văn Chỉnh (thuộc tỉnh Quảng Nam) cũng đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp xây dựng tháp Chăm đã phát hiện được hợp chất dầu rái trong gạch để xây tháp và chất kết dính, nhưng chưa được ai quan tâm thừa nhận.


Vào địa chỉ đã dẫn sẽ được xem ảnh của nhiều tháp Chăm hiện còn rải rác trên dải đất miền Trung, từ Quảng Nam trở vào cho đến Bình Thuận. Mọi người nên ghé thăm những nơi đó theo phong cách mở: không dự định trước điều gì, kể cả thời gian, gọi là thả lỏng để thư giãn.
Một vài tháp Chăm mà tôi có dịp ghé thăm:
Cụm tháp Bánh Ít, Bình Định, 7/2007
Khi chúng tôi đến trời đã ngả chiều, những ngôi tháp in bóng trên nền mây viền ánh bạc.
Ngôi tháp chính đã được trùng tu với những chi tiết nhỏ sắc nét trên đỉnh tháp.
Rõ ràng người ta không thể chế tác những chi tiết chạm khắc như thế này từ bên ngoài. Và những mạch kết dính các viên gạch mỏng đến kinh ngạc.
"Hùng cứ một phương".







Tháp Chăm Poklongarai, thành phố Phan Rang, 8/2008
Chuyến đi công tác Nha Trang được tôi kéo dài thêm 2 ngày để chạy vòng Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang.
Rất tiếc khi xuống tới Phan Rang nhà bảo tàng đã đóng cửa, hết giờ, chỉ kịp chạy lên thăm Tháp.
Tháp này cũng đã được trùng tu, đôi khi có những chi tiết bê tông và vữa xi măng. Hi vọng bức tượng trên cao kia vẫn là tượng đá cát (sa thạch, cát kết) loại vật liệu chính cho điêu khắc Chăm.
Một gia đình mới bắt đầu từ những giá trị lịch sử đất nước và truyền thống dân tộc.
Quần thể di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam, các năm 2003, 6/2009, dùng ảnh chuyến 2009
Mỹ Sơn là một trong hai Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận ở Quảng Nam, cùng với Hội An, vì những chứng tích đặc sắc và quy mô tập trung đại diện cho một dân tộc có thời huy hoàng trong lịch sử
Những "vườn" tháp đã được sang sửa
bên cạnh những tháp điêu tàn vì chiến tranh hiện đại và thời gian
mà những tác phẩm chạm khắc vẫn rực rỡ
dù cho đã bị hủy hoại phần nào vì những kẻ sưu tầm "đầu lâu".
Linh vật cúng tế Linga
và Yoni
các kiểu dáng.

Chúng, các tháp Chăm nhưng chưa phải là tất cả, như minh họa cho lời của nhà nghiên cứu dân tộc học Inrasara Phú Trạm "Cái khác biệt rõ nhất giữa Chăm và Việt là ngôn ngữ. Cùng với bốn dân tộc anh em là Churu, Êđê, Giarai và Raglai, tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo, còn Kinh thuộc nhóm Việt - Mường. Tiếng Chăm góp vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam hiện đại không phải là ít. Nhưng cái cốt tủy làm nên sự khác biệt lớn chính là văn minh. Ngay từ những năm đầu thế kỉ đầu tiên sau Công nguyên, trong khi Chăm tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ thì Đại Việt nhận ảnh hưởng từ Trung Hoa. Trong quá trình lịch sử, qua xung đột, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa Champa và Đại Việt, người Chăm đã để lại bao nhiêu dấu tích khắp đồng bằng Bắc bộ và suốt dải đất miền Trung."
Phải chăng cái sự giống nhưng không bị đồng hóa của dân Việt trước Đại Hán Trung Hoa một phần là ở đây? Nếu câu hỏi này đáng là một câu hỏi, thì Giải thưởng Phan Châu Trinh 2009 về Nghiên cứu nên được xem là một điểm dấu và cần tiếp thêm sức làm rõ hơn nữa.

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

K4 ở Hội An

Tháng 6 năm ngoái, K4 họp mặt kỷ niệm 40 năm ngày nhập ngũ. Bạn Trỗi trong Nam ra, ngoài Bắc vô cùng tập trung ở Đà Nẵng. Ngày thứ 2, mọi người trên đường đến thăm nhà anh Trỗi ở Điện Bàn tranh thủ ghé thăm Hội An. Theo kiểu tour du kích, không có hướng dẫn và chỉ có một tiếng đồng hồ để dạo quanh khu phố chính, thăm cầu chùa và và những quán xá bắt gặp trên đường đi. Một vài hình ảnh cảnh và người Hội An. Cảnh thì dích thực phố cổ Hội An, còn người lại là các bạn Trỗi K4.


Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Đám tang O tôi

Người o cuối cùng của tôi mất tháng 6/2006. Từ đó không còn người chị em nào của ba tôi còn lại. O mất, mấy anh em tôi về đưa tang.
Tháng 1 năm ấy tôi và ông anh đã về thăm quê, thăm o vì dịp Tết sẽ không về. Còn một người o đã yếu lắm, rất may chúng tôi còn về thăm được o một lần. Ảnh này tôi chụp chuyến đó. Khi o mất tôi làm một ảnh mầu, một ảnh đen trắng mang về cho các em, nếu có thể, dùng làm ảnh thờ.
Chúng tôi về buổi trưa thì buổi tối cúng từ 9 giờ, quãng hơn 1 tiếng thì xong. Tế lễ hết bài này tới bài khác, mấy người anh em họ giải thích mà chúng tôi chịu, không hiểu là những gì. Cúng xong mọi người về nhà chuẩn bị hôm sau đưa o tôi ra mộ.
Sớm 4 giờ mọi người đã lại sang nhà o. Đội đưa tang toàn thanh niên trong làng sau khi làm lễ mất một lúc, khá là phức tạp chứ không như mình cứ thế khiêng đi. Xong lễ, trời còn tối đã rời nhà.
Mờ sáng, trăng treo đoàn đưa tang vẫn trên đường ra trảng cát.
Chắc ai đã từng qua Quảng Trị đều có ấn tượng về cát trắng, nhức mắt. Một trảng ngoài làng dành làm nơi an táng, trông qua không có trật tự gì. Những ngôi mộ tròn nếu không đánh dấu thì không biết hướng nào bên dưới.
Lại lễ hạ huyệt, ngắn thôi, những người chị em họ tôi ngồi chờ.

Hạ huyệt, toàn cát. Quê tôi không có tục bốc như ngoài Bắc. Hạ xuống là thôi, hàng năm sang sửa một lần theo tục, nếu gió bay thì bồi thêm không kể.
Rất nhanh ngôi mộ của o tôi đã xong, mọi người thắp cho o tôi một tuần nhang nữa. Thế là xong đám tang o tôi.
Thật là nhiều thủ tục, các bài tế, tổ chức, âm thanh,... tất thảy đều lạ lẫm. Nhưng nhờ nó mình có thêm một cảm nhận về quê hương.