Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

TẤM BẰNG ĐẠI HỌC TẠI CHỨC

MF đưa topic này lên hòng biết ý kiến các anh chị bạn bè. Vì MF cảm thấy rất khó xử nếu ai hỏi mình chuyện này.

Từ khi bước chân vô dạy trường Đại học, MF đã vấp phải cái câu chuyện tại chức này. MF học sư phạm ra, lại dạy 2 năm cấp 3, một lứa học sinh trong trẻo, hồn nhiên, thông minh. MF thả sức vận dụng các bài học làm thầy từ tấm bằng Đại học và từ tấm gương làm thầy của các thế hệ thầy cô giáo của mình! Môn sinh học, năm đầu tiên MF dạy lớp 11, chủ đề về sinh lý học, còn trẻ quá, chỉ lớn hơn học sinh vài tuổi, nên trong các bài học sinh lý sinh dục, bị học trò trêu, nhưng cô giáo có thương hiệu “HSMN. Quế Lâm” mà, đâu ngán gì chúng nó, dạy tới số, nói tới số, kể chiện li kỳ lun, làm tụi nó… há mồm, hết đường chọc! Cùng năm, MF dạy 5 lớp 10 môn tiến hóa học, học xong bài học chúng nó hè nhau rầm rầm đi khắp nơi tìm mẫu thật, kiếm sách vở báo chí cắt hình thuyết minh cho bài học, cô Ngọc Lan trưởng bộ môn phê bình MF trong buổi họp bộ môn: cô làm như chúng nó chỉ học mình môn cô! Chúng nó đi phá hết cây cối, sách báo rồi kìa! Trời đất, MF đâu có bảo chúng nó thế, chỉ có cho bài tập về nhà sau mỗi bài học thôi mà, ai chỉ cần có một vài mẫu đơn giản nhưng đúng chủ đề là được điểm cao mà! Nhưng vì sự hiếu chiến của lớp trẻ, chúng nó thích chứng minh nhận thức của mình! Năm thứ hai, lần đầu làm chủ nhiệm lớp, vất vả với 60 đứa học trò mà chỉ 13 đứa con gái, nhưng MF mê học trò như mẹ mê con, thỉnh thoảng chúng nó hư mắng, nhưng ngày nào không có giờ cũng đến trường, ngồi dự giờ lớp, chỉ vì nhớ lớp, nhưng thấy chúng nó cứ lấm lét quay lui dòm cô, mới chợt nghĩ ra nó tưởng mình dự giờ để theo dõi lớp! Sau đó thôi, nhớ lớp thì ngồi nhà viết nhật ký về chúng nó! (Bi giờ con chúng nó lớn hơn con MF, mà mỗi năm 2 lần chúng nó tập trung nhau lại bắt MF đến làm cô cho chúng nó được trở lại thời thơ ấu!)

Cuộc đời đưa đẩy, sau 2 năm tập sự, MF đi học cao học (vì nghĩ vô lý từ này mình chỉ yên phận làm một công chức, ngày ngày cắp cặp đi làm, trong khi hắn vốn là một hsmn nay đây mai đó như dân du mục, quen rùi!) Hồi đó (1981) việc học cao học nghiêm trọng lắm, không phải như bây giờ. Thế nhưng MF quyết định đi thi. Đỗ. Học 2 năm, về lại: Bây giờ chỗ cô ở bộ môn đã có người thay thế, cô phải chờ đến khi có nhiệm sở mới! Hic!Sau một năm ăn không ngồi rồi không lương, (có gạo nhưng hằng tháng phải đến sở GD xin giấy đi mua, thấy phiền toái không ra cái gì, MF bỏ việc xin giấy mua gạo luôn, ở nhà ăn bám ông bà già) họ gọi MF vô dạy trường sư phạm mẫu giáo tỉnh, lý do là MF có bằng cao học chuyên về sinh lý người và động vật, nên có thể dạy môn sinh lý trẻ tốt ở đó! Hic, tuy nhin, ok thui, còn hơn ngồi không ở nhà (thật ra có đi nộp đơn một vài trường ĐH, trong đó có trường MF dạy bi giờ, nhưng trường nào cũng nói “hồ sơ còn thiếu!”, MF chịu, không nghĩ ra thiếu cái gì). Khi đó MF thích được dạy ĐH lắm, vì nghĩ rằng mình sẽ có một đối tượng học trò chuyên sâu hơn, trí tuệ hơn để mình mặc sức đào sâu với chúng nó những gì mình ham thích! Và chắc chắn đó sẽ là môi trường cho mình thỏa nguyện một mơ ước từ thời thơ ấu là làm nghiên cứu khoa học! Nhưng phải chấp nhận hiện tại đã, môi trường nào cũng là môi trường sư phạm, MF lại lao vào nghiên cứu các bài giảng về sinh lý trẻ, ví dụ tại sao trẻ dưới 5 tuổi hay tè ra quần? cô giáo mẫu giáo phải hiểu điều đó để nếu thấy vậy thì đừng đét đít cháu!... Thế mà năm ấy MF đã đăng ký đề tài làm phó tiến sỹ về ngành học này đấy, nhưng mà… cuộc đời lại trôi nổi, vì gặp người cao tay ấn, ấn MF thụt ý chí lại để nghiên cứu sinh… con! Hic

Rốt cuộc, có hơi muộn, nhưng MF cũng thỏa nguyện, khi được anh Trần Đình Từ trưởng khoa Chăn nuôi thú y thông báo khoa đang tuyển giảng viên môn sinh lý gia súc! Sẵn cái bằng cao học về sinh lý là lợi thế để MF về trường mà không bị rào cản chi lớn, cũng là bởi gặp anh Minh trưởng phòng tổ chức có một không hai (khách quan và không đòi hỏi một điều kiện gì khác ngoài bộ hồ sơ mà anh nói là: Cô là người chúng tôi đang cần! ), sau này anh trở thành hiệu trưởng, MF luôn tin tưởng anh là một người lãnh đạo có tâm! Khi về khoa, MF mới biết tại sao khoa cần người, môn học của MF đảm trách vốn có 2 người, nhưng hai anh đều đang chuẩn bị đi học nước ngoài! MF chân ướt chân ráo, chưa biết chi sâu sắc về heo ca gà vịt, nhưng phải gánh luôn gần một ngàn tiết dạy qui đổi, cả hai hệ chính qui và tại chức! Sao mà lắm lớp tại chức thế, lại toàn ở các vùng xa xôi hẻo lánh! Vì vậy MF hiểu sâu sắc, ĐH tại chức là như thế nào? Thật ra hệ tại chức của ĐH nông nghiệp có khác với khác trường khác, làm nhiệm vụ đào tạo là chủ yếu, chớ không phải hoàn toàn là cái “niêu cơm” như phó thủ tướng từng ví thời ông đang làm Bộ trưởng. Vì ở Việt Nam, phàm cái gì gắn liền với từ “nông nghiệp” thì có nghĩa là còn nghèo! Chớ thực ra chưa có cái lạc quan tếu táo “ nhất nông nhì sỹ “đâu. Tuy nhiên, nghèo, nhưng hệ tại chức nghèo cũng có cái sự “tại chức” của họ! Về giảng dạy trường Đại học, cú đầu tiên cho MF rớt cái đùng là nền tảng kiến thức của các sinh viên trẻ chính khóa! Sao mà đầu óc họ mù mịt, hỏi gì cũng rất hiếm người biết (chẳng bù cho những năm dạy cấp 3, hỏi một câu là chúng nó rào rào giơ tay, trả lời bóc bóc, nhiều câu hỏi MF thử đánh đố vòng vo trong kiến thức, chúng nó cũng … biết tuốt! Nhiều vấn đề chúng nó biết hơn cô! ). MF đi hết thất vọng này đến thất vọng khác. Nhưng không phải lỗi tại ai, mà lỗi tại lớp trẻ chê … ngành nông nghiệp, nên ai học giỏi dại gì vô trường này (đến giờ chúng nó vẫn thế, nhưng nhờ vụ “điểm sàn” mà các thầy cô dễ thở hơn). Thời ấy, thi khoảng 7, 8 điểm, thậm chí thấp hơn chút, cũng có hy vọng vô ngành nông nghiệp. Rồi thì các lớp R (gọi là lớp riêng, hay lớp rừng, lớp ĐH cử tuyển hệ miền núi), họ ngồi nghe bài giảng như vịt nghe sấm, hỏi gì họ mỉm cười vui vẻ và … lắc đầu! Sau đó là… hệ tại chức! Hệ này không học tại trường, mà địa phương nào mở thì quản lý tại trung tâm đó, hợp đồng với trường mời giáo viên dạy! Thực tình mà nói, chỉ hơn một nửa sinh viên này là “tại chức”, còn thì là học sinh thi không đỗ đại học chính qui! Các lớp này thường có một ban cán sự rất tề chỉnh, thầy cô mới tới là nghênh đón tại bến xe, ga tàu. Chở về sắp xếp chỗ ăn ở, xong rồi mời đi ăn cơm và … thông cảm: cô ơi, bọn em lớn tuổi, bân bịu công việc…

Đành là biết thế, nhưng ít ra khi họ tốt nghiệp, họ cũng có tấm bằng đại học mà, họ cũng được trọng vọng như bất kỳ ông cử nào khác, thậm chí còn nhanh chóng được cất nhắc cao hơn! Vậy các anh chị cũng cần học nghiêm túc, mặc dù chúng tôi hoàn toàn thông cảm! Dạ, nhưng mà…rồi thì họ, cái ban cán sự ấy, thường là người nghỉ học nhiều nhất, vì họ thường là cán bộ có chức quyền, và rất bận … họp! MF đổ cáu, dù các anh có là ông gì, nhưng bây giờ chấp nhận vô học lớp này, thì đang là học trò tôi, nếu không đến học, nghỉ luôn lần sau học lại! Họ có đến ngồi trong lớp thì không ngủ gật cũng sờ cằm nhổ râu là chủ yếu, hỏi tới thì giật mình cái rụp dáo dác nhìn quanh! Đứng lên gãi gãi đầu, dạ dạ… Ngó bưa đời! Chỉ chực chờ đến giờ giải lao, nhào ra rít thuốc, nhìn trời nhìn mây tán dóc! Thực ra, có một số anh đi học rất nghiêm chỉnh, dù có khó khăn trong tuổi tác, nhưng những người càng lớn tuổi, ngồi học dường như càng cố gắng hơn, mặc dù kiến thức cơ bản họ chẳng có bao lăm, nhưng họ mạnh hơn sinh viên chính khóa về mặt thực tế, cho nên đến những buổi seminar, hoặc thực hành tại trang trại, họ lại rất hào hứng và làm việc rất hiệu quả, ngược lại, trong những buổi này MF lại học ở họ rất nhiều (tên MF này hoạt động hơi lộn chuồng mà). Đặc biệt là các lớp tại chức thú y. Nhưng số đó không nhiều. Phần lớn họ cho rằng, đến lớp cho có lệ, rồi thế nào cũng lấy được tấm bằng thôi, vì ta đã trả tiền rồi mà! (nghe muốn bẻ gãy cọng bún!) Vì thế đôi lúc thái độ của họ đối với giảng viên cũng không thể hiện sự trân trọng, họ cho rằng các giảng viên đi dạy đã được trả bằng tiền họ nộp (hic, họ có biết đâu rằng các giảng viên ĐHNL phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ chăn ấm nệm êm, đi đến tận mấy nơi đèo heo hút gió ấy để ăn ở như thời hậu chiến (vừa rồi vô dạy xứ anh Trỗi NT, nơi được cho là một trong những trung tâm tại chức khá nhất, MF thỉnh thoảng đi ăn cải thiện bằng mì ổ và cháo lòng, vì cơm không nuốt nổi), chỗ ở nào cũng nghe đồn có ma, có gan mấy, đêm đêm nằm một mình gió hun hút cũng sợ hết vía, ngày lo dạy 9 đến 10 tiết cho hết mau mà chạy về, nhưng chỉ có đến khi nào giờ giảng vượt quá qui định (như MF là một năm phải giảng 290 tiết trong tiêu chuẩn), thì mới được tính 14 ngàn một tiết vượt giờ! Mỗi lần đi tại chức là đổ đau! Sinh viên theo lệ cứ khi nào thầy cô về thì phong bì cho vài trăm, gọi là “mua quà cho các cháu”! MF thường không bao giờ nhận phong bì của sinh viên, không phải mới đây nghe sự hô hào, phản đối của bà con và báo chí đâu nhé! Cứ hỏi ai từng học MF thì biết, chuyện này kể sau, nhưng SV tại chức thường đồn nhau “cô ấy khó tính lắm”, vì vậy một lần MF dạy ở Nam Đàn, một anh cán bộ lớp đến nói thẳng với MF như vậy, và mong cô thông cảm với lớp, MF chỉ cười. Sau khi dạy xong, tạm biệt lớp, MF nói: tôi nhận quà của lớp, nhưng tôi gửi lại ở lớp để khi nào có ai đau ốm, khó khăn nhờ lớp thăm hỏi dùm tôi, chính anh ấy lại nói: sao cô ngó hiền vậy mà họ đồn cô khó? Khó có lúc mà dễ có lúc. Anh không thấy tôi bắt anh chủ tịch huyện phải đến lớp đều đó sao? Nhưng là tôi nghĩ là các anh đã muốn đi học, nghĩa là các anh muốn có tri thức, cái đó đi kèm với bằng cấp!

Lại còn chuyện hướng dẫn làm luận văn tốt nghiệp, cũng trên quan điểm, ít nhất sinh viên tại chức cũng phải có một luận văn có ý nghĩa, để sau này ít nhất họ cũng có thể đem ra dạy con họ chứ? Nên ai được phân công làm với MF, thì thường được yêu cầu làm một nghiên cứu nghiêm túc, dù nhỏ và đơn giản hơn hệ chính khóa (vậy là ưu tiên lắm rồi). Có lẽ vì chuyện sau đây làm MF bị đồn là “khó”, cách đây phải hơn 15 năm rồi, MF hướng dẫn hai sinh viên ở Nghệ An làm đề tài thực tập tốt nghiệp, một anh (nghe đâu kế toán trưởng của một xã), sau khi triển khai đề tài, anh vào Huế, đến nhà, đưa một phong bì, nói: nhờ cô làm số liệu rồi viết giúp em, chứ em không thể nào làm được! Anh có muốn tôi cho trượt ngay bây giờ hoặc trả lại cho trường không? Dạ, em nói thiệt tình… anh mở phong bì tôi xem! (không dám)! Mở ra! dạ! bao nhiêu? Dạ triệu rưỡi! Được rồi (hình như mừng, nhưng xịu xuống ngay), bây giờ thế này: tôi không nhận, nhưng anh cũng không được cất "nó", anh dùng "nó" thuê các nông hộ làm thí nghiệm như tôi đã hướng dẫn, sau đó kết quả thế nào tôi sẽ giúp anh xử lý và báo cáo, vì đó là nhiệm vụ của người hướng dẫn! Anh ấy xịu mặt năn nỉ, nếu anh còn nói thêm, tôi mời anh đi ngay bây giờ, còn không tôi mời anh ở lại trong nhà, sáng mai có tàu về sớm! Sáng ra, anh sang phàn nàn với phụ huynh MF: đêm qua con không ngủ được! Phụ huynh cười múm mím! Sau đó người thứ hai vào, mới bước vào nhà, MF hỏi: đem bài vào hay đem phong bì? Anh ta có vẻ bối rối, MF bảo anh ta gọi điện cho anh kia để biết tình hình, sau đó anh ấy xin phép ra ngay cho kịp tàu! Về sau, các sinh viên này đều tốt nghiệp khá cả. Điều đáng nói là điều đó chứng tỏ họ coi thường giảng viên, có thể do một số tiền lệ làm như thế. Nhưng cũng phải có những người làm cho họ nghĩ khác đi về những người hướng dẫn họ học. Thiết nghĩ ai có tâm, họ cũng làm thế cả, cớ gì một HSMN lại không? Tuy nhiên, sinh viên tại chức vẫn thích cái gì khỏe khỏe, lấy được bằng, mà khỏe! MF đã từng trả sinh viên lại cho trường, khi họ chỉ muốn làm khỏe khỏe như vậy, có người kiện lên trường, các ông trưởng khoa nổi cạu với MF: sinh viên tại chức thì cho họ cái điều tra dễ dễ là xong việc thôi, làm chi mà phải nghiên cứu nghiên kiếc này nọ. MF cạu lại: vậy thì cấp cho họ cái bằng cho khỏe, cớ gì phải bày đặt đào tạo, tốn tiền, tốn công?

Nói thì nói vậy đó, nhưng nếu không có hệ tại chức, thực sự nhà trường không thể có nguồn nào hơn để tự cung cầu, trang trải cho cuộc sống cán bộ công nhân viên. Không thể trông mong nhiều vào học phí sinh viên, vì sinh viên nông nghiệp thường là nghèo, nên mức học phí cho họ thấp hơn các trường khác, chưa kể số nhiều là dạng được miễn, giảm! Lương MF sau 31 năm làm việc, nay là 233 USD/tháng (tất tật kể cả các loại tiền chính sách, phụ cấp, theo tỉ giá USD hôm nay). Nói ra nhiều lúc khó giải thích với kể cả bạn mình ở Hà Nội, Sài Gòn, chứ chẳng kể gì người nước ngoài. Các cấp lãnh đạo trường trằn mình tìm cách nâng phụ cấp cho cán bộ, giáo viên. Xem các đề tài dự án về trường như một nguồn đầy tiềm năng (nên cắt xén không thương tiếc)! Vậy, nếu không có hệ tại chức, cũng khó lắm! Bây giờ nếu coi thường tấm bằng này, sẽ không ai học nữa, dân trí cũng có đi xuống đấy (có một số học hành nghiêm chỉnh mà!), và chắc chắn đời sống CBCNV, GV các trường Đại học sẽ khó hơn.

Nói như anh Hữu Thành anh Minh (AMk3) bên Trỗi, nên xem lại cách tổ chức và quản lý như thế nào, để trước tiên chính học viên trân trọng tấm bằng của chính họ cái đã!

Q.MF

12 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
HữuThành.Nguyễn nói...

Rất là "tâm lý" nên Q.MF phải ngồi tới tận 2 giờ sáng cho bài này. Không biết Q.MF đã bắt hết "rận" chưa đây?
Làm sao người ta quý tấm bằng mà họ có trong khi thực sự họ cần cái hình thức chứ không phải nội dung?
Một xã hội vận hành trên quan hệ trực tiếp chứ không phải quy tắc sẽ luôn là như thế, tham nhũng toàn dân dựa trên bất cứ thứ gì có "lợi thế so sánh" với người đối diện.

TQtrung nói...

Đọc bài của QuếMF xong thở đánh phào một cái mà nghĩ rằng, hóa ra người có tâm vói sự "Học" không phải đã hết, ít ra là vẫn còn một cô Quế đầy nhiệt tâm và trăn trở:-)
Thực ra việc học tại chức từ ban đầu là rất nhân văn, những cán bộ, nhân viên v..v vì lý do nào đó không thể theo chính khóa, ví dụ như mình phải đi bộ đội, sau đó chuyển ngành, làm việc trong một cơ quan nào đó, không có kiến thức
thì không làm việc được (và không được đề bạt, dĩ nhiên)vậy chỉ có cách đi học tại chức để nâng cao trình độ,cụ thể hơn là để làm được việc, trường hợp như vậy là phải học thực sự.
Còn nếu cái anh đi học chỉ để có cái bằng vừa để lòe thiên hạ, vừa để tiến thân thì cái người đặt ra luật phải có bằng này bằng kia mới được thăng chức phải chịu trách nhiệm.
Việc nhỏ như vậy, đến việc lớn là phát hiện và trọng dụng nhân tài, làm sao phải có cơ chế thi cử để họ có điều kiện bộc lộ, chứ cứ theo kiểu cảm tính nhất thân nhì quen như hiện nay thì xã hội ngày càng thoái hóa, làm sao tiến lên được.

Nặc danh nói...

Động cơ học tập nó quyết định thái độ học tập. Hệ tại chức trong các trường đại học sinh ra để giúp những người trước đó không có điều kiện hoc nâng cáo kiến thức của mình, đặc biết là những người trực tiếp trong các công việc chuyên môn. Khi mà xã hội trọng " học giả" thì người ta chỉ cần bằng và ghi danh là đủ, học làm chi cho mệt MF nhỉ (?).
Ở một số trường nhiều thầy chỉ thích hướng dẫn các thực tập sinh và nghiên cứu sinh là quan chức : Vừa nhàn_ khi bảo vệ ai cũng nể, Vừa có kinh tế và quan hệ
KV.K7

HữuThành.Nguyễn nói...

Cán bộ HVHCQG nói "anh ơi, cán bộ các địa phương về học họ đòi không thi, chỉ có "thu hoạch" thôi. Có chức rồi thi làm chi, hợp thức hoá thôi mà".
Còn sang dạy chuyên đề bên học viện chính trị QG thì họ nghiễm nhiên tốt nghiệp bên ấy không cần học bên này nữa.
Rồi bây giờ thì hình như là cái chính trị nó nuốt cái hành chính rồi, thành một học viện với cân lạng đối tượng mục tiêu đào tạo khác nhau thôi.

Quế Lâm nói...

@HữuThành.Nguyễn: Đại ca nói chuyện "rận" bên chợ Quế hay trong nội tình "tại chức" rứa? Bên chợ Quế chúng nó bảo MF nuốt rận cái tên Quế nặc danh nèo đó, nhưng làm sao mà "rận" nó được, vì nó nặng lòng với quá khứ Quế lắm mà, chỉ có trị "nó" cái tội nhớ lộn xôn thui! Còn chiện tại chức thì, hễ đi tại chức là vấp, mà mình cá tính, mình làm vậy, nghĩ vậy, chớ đâu có cải thiện gì được đâu đại ca? Quyết đinh này của Đà Nẵng, dẫu đúng hay không, cũng là một tiếng chuông cảnh báo thiết thực cho chất lượng của hệ học này. Nhưng nói về "chất lượng" thì hệ này còn là em út của hệ "từ xa" nữa kìa!
@TQTrung: muội thấy mình sao mà cứ ăn ăn học học mãi mà thấy không xong chi hết, nên khi thấy họ tốn tiền đến ngồi để ... không học, muội ấm ức.
@KV.K7: "Ở một số trường nhiều thầy chỉ thích hướng dẫn các thực tập sinh và nghiên cứu sinh là quan chức", he he, trúng tim đen rùi đó đại ca, nhưng cũng chỉ các thầy "quan chức" mới được "hướng dẫn" các "trò" quan chức thui!

HữuThành.Nguyễn nói...

@Q.MF: là nói MF "trong chăn" nên thấy lắm "rận". Mà lại là "rận... nuôi" nên nó cắn mới đau chứ :-)

VNQ nói...

Nhân cái chuyện về "Tấm bằng ĐH tại chức" của Quế MF mà các "bọ" đang quan tâm. Sau khi đọc bài SỰ PHÁ SẢN TRÊN THỰC TẾ CỦA KỲ THI ĐẠI HỌC của Ngô Tự Lập. Thiết nghĩ cũng chẳng cần đến cái hệ tại chức này làm gì sau khi nếu bỏ thi ĐH. Ai có nhu cầu học và nâng cao kiến thức phục vụ công việc cho mình thì cứ "automatic" mà đi học đỡ phải "tốn tiền đến ngồi để ... không học".

VNQ nói...

Ơ lạ nhỉ?
Vừa "comments" (cái thứ 8) xong, quay lại thấy mất tiêu.

Quế Lâm nói...

@VinhNQ: Hic, ai không đọc, mất quyền lợi, ai đọc mà không còm, mất quyền lợi nữa, he he

Quế Lâm nói...

@MF : tỉ xem lại trường tỉ đi , em chỉ là gv trung học mà tiết trội giờ của em là 82 ngàn đó ( nhà nước trả đàng hoàng nha ).

Quế Lâm nói...

@Quế Lâm: Nếu mà như vậy, ai cũng ưa giữ hệ tại chức để ... làm giàu! Trường tỉ có một số người dạy dư cả ngàn giờ/năm lận! (Nhờ tại chức đóo)