Dự định ban đầu là nhà em sẽ đi thăm quan Hà giang, vì biết mùa này lên Sapa cảnh sắc sẽ không mấy hấp dẫn. Nhưng nghĩ đến chuyện được gặp gỡ các bác tận trong miền Trung tại Sapa thì cũng thấy có nhiều ý nghĩa, thế là nhà em hào hứng lên đường. Chia tay với các bạn nhậu tại dốc Hàng Than để ra ga, nhìn thấy trong ánh mắt các bạn có vẻ ngạc nhiên với cái sự đi chơi 1 mình kiểu như nhà em, nhưng dù sao cũng thấy ấm lòng khi nhận được những cái bắt tay chia sẻ và lời chúc tốt đẹp của các bạn.
Chuyến tàu đêm hôm ấy thật là tồi tệ, mua vé thì thấy là tàu chất lượng cao, chả biết có phải là nhà tàu điều nhầm tàu chợ không, vì những lần trước không gặp cảnh này. Xuất phát từ Ga HN thì chỗ ngồi ổn định, điều hòa mát rượi . Sang đến ga Gia lâm thì bắt đầu bát nháo. Hành khách kéo lên lũ lượt, mỗi người lên cầm trên tay 1 cái ghế nhựa do nhân viên nhà tàu phát và điềm nhiên ngồi chật kín hết lối đi. Một lát sau, máy điều hòa dở chứng tắt ngúm, thế là cả toa thành cái "lò bát quái", nóng nực và ngột ngạt vì hơi người. Một số hành khách có vé chính thức bực bội lên tiếng yêu cầu nhà tàu khắc phục sự cố. Các bác nhà tàu lăng xăng mở cửa sổ (có 6 cửa thoát hiểm thì chỉ mở được 4, còn lại hỏng khóa không mở được) và đi tới, đi lui mà chẳng thấy giải quyết được gì. Đến lúc đã quá ngột ngạt, hành khách la lối thì các bác nhà tàu lại xuất hiện. Một bác gái trung niên, có vẻ như là Xếp tàu cười duyên dáng và có nhời mời những hành khách nào muốn được khoan khoái, dễ chịu thì chi thêm vài chục sẽ được lên toa giường nằm, mát mẻ. Nhà em chợt nhớ lúc mua vé (còn sớm, khoảng 15g) nhà ga đã thông báo là không còn giường nằm, thế mà bây giờ thì mấy toa giường nằm còn thừa nhiều chỗ, lạ thế !!! Hay là ???
Trước tình cảnh đó, một số cụ già được con cháu chấp nhận "sáng kiến" của nhà tàu cho đở khổ, còn lại đành lặng im vừa tìm cái gì đó để quạt vừa ngáp ngắn ngáp dài. Một số bác ngồi ghế phụ (ghế nhựa)cũng được điều lên ngồi hành lang toa giường để giảm bớt áp lực cho toa này. Nhà em cũng đi bụi quen rồi, mặc cho mồ hôi nhớp nháp chảy trong áo, trước bụng vẫn ôm chặt cái balô, gà gật được lúc nào hay lúc đó. Tự an ủi như thế cũng hay, đỡ lo mất đồ vì nhỡ ngủ say, mà mất cái balô thì ...thôi rồi. Phải luôn cảnh giác vì tàu đỗ ở ga nào cũng có các bác "phục vụ nhân dân" lên tàu bán hàng rong.
Chịu dựng như thế đến khi tàu vào ga Yên bái, hành khách lũ lượt kéo xuống, trong toa rộng hẳn, không khí bớt ngột ngạt, nhẹ cả người. Tưởng thế đã là sướng lắm rồi, thế mà nhà tàu lại còn "chăm lo" thêm cho hành khách là cử 1 bác thợ đến toa kiểm tra, mượn đèn pin hì hục tháo nắp điều hòa, loay hoay 1 lúc thì hơi lạnh tỏa ra mát rượi. Mọi người reo lên sung sướng, vội vàng í ới gọi nhau đóng lại cửa sổ.
Từ lúc đó, trong toa hết tiếng phành phạch của quạt tay, hành khách chìm vào giấc ngủ êm đềm mặc cho tiếng xình xịch của bánh xe lăn trên đường ray và tiếng vặn toa ken két mỗi khi đoàn tàu vào cua. Một số người còn phải mượn nhà tàu thêm tấm đắp vì lạnh, nhà em đeo cái quai balô vào người, hai chân kẹp chặt cái "nạng" (trị giá 500usd) tận hưởng sự sung sướng và đánh 1 giấc đến khi nhà tàu thông báo đã đến ga Lao cai.
Quả thật có gặp những chuyện éo le 1 chút trong những chuyến đi cũng thú vị và suy ngẫm được nhiều điều. Nhớ lại chuyến tàu từ Nha trang về SG, cả toa tàu 64 ghế chỉ có 2 ông khách, nhà em và bác TM, điều hòa mát mẻ còn không thèm dùng, cứ mở toang cửa sổ để tranh thủ "bắn" cảnh dọc đường và nằm ngồi thoải mái. Cái sự sướng - khổ làm nên những kỷ niệm khó quên trong những chuyến đi xa, những bức ảnh mang về cũng thêm phần thích thú mỗi khi ngồi xem và nhớ lại.
Hồ Gươm

Thị trấn Sapa