Thứ Năm, 10 tháng 2, 2011

Có một người bạn như thế


Đầu năm đi làm, rỗi hơi vào Google tìm xem thiên hạ họ nói,viết gì về thằng bạn,thấy bài viết ngộ ngộ, đưa lên cho vui.

NSƯT Dương Minh Đức: Hạnh phúc là trời cho


Trong bất kỳ một cuộc tụ tập nào, thiếu ông, hẳn sẽ thiếu vui, hay nói đúng hơn là sẽ nhạt trò. Bởi, ông có năng khiếu tổ chức các cuộc vui vẻ, và ở đó ông hiện diện như nhân vật số 1, nhân vật chủ chòm gánh trách nhiệm mua cười cho thiên hạ. Cuộc vui nào chưa thấy ông, cuộc vui thiếu lắm, thế nào mọi người cũng phải gọi ông tới cho kỳ được. Mà có mấy khi thiếu ông đâu mà phải gọi, bởi chưa gọi ông đã tới, nơi nào vui, ông đã kiếm cớ đến rồi...

Tóm lại, ở đâu vui là có ông, ở đâu tụ tập ồn ào bạn bè bia bọt nhậu nhẹt bốc phét, ông không thể thiếu. Ông được bạn bè yêu quý đặt cho biệt danh "Trưởng ban bốc phét", "Trưởng ban vui vẻ" vì vậy cuộc vui nào thiếu "Trưởng ban", coi như cuộc vui ấy không vui đến tận cùng, không sung sướng khoái trá đến tận cùng, không ồn ã náo nhiệt đến mê tơi.

Người đàn ông có quá nhiều tài lẻ để thu hút đám đông, thu hút bạn bè và tất nhiên, cả người khác giới. Cứ ai gặp ông, từ già đến trẻ đều đổ rùm rụp trước sức lôi cuốn, tài ăn nói và tài tổ chức các cuộc gặp gỡ "vui là chính" của ông.

Cái ông "Trưởng ban bốc phét vui vẻ" ấy chính là NSƯT Dương Minh Đức, nguyên là Đại tá, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội, người đã theo đuổi hơn 40 năm sự nghiệp ca hát, trong đó có hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học ở Khoa Thanh nhạc Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội.

Ông vừa nghỉ hưu đầu năm 2008 này. Nói là nghỉ hưu nhưng thực tế, chỉ là nghỉ công việc quản lý hành chính ở trường, còn việc dạy học lại càng bận rộn hơn vì có thêm thời gian, và cái chức "Trưởng ban bốc phét vui vẻ" xưa nay đã phát tiết rồi, giờ có điều kiện lại càng anh hoa phát tiết hơn nữa.

Thật ra, nhìn bề ngoài "Trưởng ban bốc phét", ấn tượng ban đầu không có cái vẻ gì là bốc phét cả. Rất mô phạm, đúng nghĩa một ông giáo từ phong thái điềm đạm, lời ăn tiếng nói khúc chiết, mạch lạc, dễ hiểu, kiến thức âm nhạc phong phú, cộng với sự trải đời, nét thông thái trong tư duy và suy nghĩ.

Nhưng càng nói chuyện với ông càng thú vị, càng thấy cái nét duyên ngầm tiếp xúc lâu mới ngấm, mới lộ, mới quyến rũ và mang lại người đối diện một cảm giác thoải mái dễ chịu.

Đặc biệt khi nghe ông hát, chất giọng teno cao trữ tình, sáng như chuông vàng, khỏe khoắn và đường bệ tự tin trong những bài hát một thời gắn với tên tuổi và sự nghiệp ca hát của ông, mang lại cho ông những giải thưởng cao quý từ cuộc thi hát thế giới tổ chức ở Nga như: "Chiều trên bến cảng", "Nhựa bạch dương", "Đường Trường Sơn" v.v... khán giả như chìm vào những cảm xúc thật bay bổng, lãng mạn.

Cho đến bây giờ, mặc dù đã bước sang tuổi 60, mới đây, trong chương trình "Quán âm nhạc" của Đài Truyền hình Việt Nam, Dương Minh Đức vẫn chinh phục khán giả bởi chất giọng ngọt ngào, trong sáng và tha thiết qua những bài hát nổi tiếng làm nên tên tuổi của ông thời trẻ.

Mới thấy ở con người ông, có một sự đa dạng phong phú trong tính cách, tâm hồn, và phong cách sống trẻ trung, sôi nổi, vui nhộn nhưng cũng không thiếu đi nét tĩnh lặng chiều sâu trong tâm hồn của một người đàn ông phóng khoáng, phiêu bạt, và đã từng trải qua những vui buồn sóng gió trong cuộc đời nhưng luôn giữ tinh thần lạc quan, phong thái nhẹ nhàng vui vẻ.

Dương Minh Đức nói rằng, cuộc đời ông mọi thứ khá thuận lợi. Cái thuận lợi trời cho, như thể hạnh phúc là thứ ai cũng cố gắng kiếm tìm và gìn giữ trong hành trình suốt cuộc đời mình nhưng hạnh phúc đậu lại trong cuộc đời ai, trong căn nhà của ai lại là thứ nằm ngoài ý muốn của mình, là trời cho.

Dương Minh Đức nói cuộc đời ông là một chuỗi những thuận lợi trời cho. Từ khi 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc, những năm tháng chiến tranh, tuổi thơ của ông lớn lên bình yên trong Trường Thiếu sinh quân, rồi qua Trung Quốc học tập. Thừa hưởng gien nghệ thuật từ người má vốn là văn công Quân khu V, ba là công chức kiêm nhạc sỹ nghiệp dư, từ nhỏ, Dương Minh Đức đã có năng khiếu văn nghệ thể thao, nổi tiếng là ca sỹ nhí ở Trường Thiếu sinh quân và đi biểu diễn ca hát khắp nơi.

Nhưng dường như nghệ thuật là một cái nghiệp được số phận ấn định trong cuộc đời nhiều phiêu bạt của Dương Minh Đức, ngay cả khi vào đời, ông không hề lựa chọn nó.

Tốt nghiệp Trung học ở Trung Quốc, trở về nước, Dương Minh Đức nhập ngũ và học ở Trường Quân chính Quân khu, sau đó về công tác ở Bộ Tư lệnh Hải quân, xuống tàu và sau này làm công tác bảo vệ cầu Long Biên. Năm 1969, sự nghiệp quân sự có vẻ mở ra những cơ hội tốt đẹp cho Dương Minh Đức.

Thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự và đạt những thành tích xuất sắc trong học tập, cộng với giọng ca trời cho bấy giờ đã nổi tiếng trong quân đội, cùng với những năng khiếu về thể dục thể thao, đã đủ cho Dương Minh Đức là “một thành viên không thể thiếu” của Học viện.

Ông được giữ lại Học viện để giảng dạy và phụ trách công tác văn - thể ở Học viện. Nhưng, nghệ thuật đã lựa chọn Dương Minh Đức, nhấc ông ra khỏi tất cả những nỗ lực để có thể trở thành một kỹ sư Quân đội. Ngay cả Dương Minh Đức cũng bất ngờ trước lối rẽ của số phận, của định mệnh, bởi ông sinh ra không phải để làm gì khác hơn ngoài nghệ thuật.

Chính thầy giáo Mai Khanh và những người bạn gắn bó từ ngày đầu tiên cho đến bây giờ trong cuộc đời ca hát của Dương Minh Đức là NSND Quang Thọ, NSND Doãn Tần, NSƯT Hoàng Chè, NSƯT Quang Huy, trong một lần nghe Dương Minh Đức hát, mấy thầy trò đã khuyên ông nên thi vào Nhạc viện Hà Nội, theo đuổi sự nghiệp ca hát.

Lê Thị Thanh Bình

8 nhận xét:

HữuThành.Nguyễn nói...

Trong ảnh này có cả DMĐ và DS, với nhiều bạn khác.

HữuThành.Nguyễn nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Quế Lâm nói...

Quế đã được chứng kiến tài năng của ông trưởng ban này ở HỘI TRƯỜNG TRỖI . Qúa vui lun .

tranbachai nói...

Cái đó tài năng thật sự. Lê Thị Thanh Bình dùng từ "tài lẻ" không biết có đúng không?

tranbachai nói...

Xin lỗi thiếu chữ "là".
:)

HữuThành.Nguyễn nói...

@3Chai: tài chính là hát, còn tài lẻ là những thứ khác. Như kiểu có bạn nữ hỏi DMĐ "cậu có gì gì với các cháu?" thì bảo "có,... tí ti" mà cười rất tươi nhé :-) Người miền Trung mình vừa tài... lẻ lại vừa thật thà.

TQtrung nói...

Tôi thì ấn tượng nhất với bài " Không cho chúng nó thoát" được Dờ mờ Đờ nhiệt tình hét "..không cho mấy cháu thoát(2 lần)! Chú buông mùng cháu không có đường ra..." hè hè! không phải ai cũng cải biên được vừa hợp cảnh, vừa hợp người như vậy, và rất tếu nữa :-)

Thắng k5 nói...

Bởi vậy nên khi có mặt anh Qt xuất hiện, tôi luôn đứng yên, bồng súng chào,(à quên hưu rồi nên hết súng).
Qt luôn có những ý nghĩ tuyệt đỉnh mà, cũng là một câu hát hay hợp lòng người. Bây giờ nên cẩn thận hỏi lại anh DMĐ là các cháu có tìm đường thoát ra không đã, hay là bảo ra thôi, các cháu lại Ứ vào.