Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Tháp Chăm

Tháp Chăm (theo vi.wikipedia.org), hay còn gọi là tháp Chàm, là một dạng công trình thuộc thể loại kiến trúc đền tháp Champa, thuộc kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của dân tộc Chàm (còn gọi là dân tộc Chăm, sinh sống ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Có thể thấy vị trí phân bố các đền tháp là những nơi từng là nơi ở của người Champa, xa hơn nữa còn có những ngôi tháp có thể coi là tháp Champa trên đất nước Camphuchia như tháp Damray Krap. Ngược lại, những yếu tố Java hay Khmer cũng được thấy trên các tháp Champa như ở Khương Mỹ, Hưng Thanh, Dương Long, hay có cả những ngôi tháp còn được người Champa gọi là "tháp Khmer" như tháp Champa Hoà Lai.
Các tháp Chăm là một khối kiến trúc xây dựng bằng gạch nung màu đỏ sẫm lấy từ đất địa phương, phía trên mở rộng và thon vút hình bông hoa. Mặt bằng tháp đa số là hình vuông có không gian bên trong chật hẹp thường có cửa duy nhất mở về hướng Đông (hướng Mặt Trời mọc). Trần được cấu tạo vòm cuốn, trong lòng tháp đặt một bệ thờ thần bằng đá. Nghệ thuật chạm khắc, đẽo gọt công phu hình hoa lá, chim muông, vũ nữ, thần thánh thể hiện trên mặt tường ngoài của tháp. Các viên gạch liên kết với nhau rất rắn chắc, bền vững tới hàng chục thế kỷ.
Ngày 1 tháng 10 năm 2006, Trung tâm Quản lý di tích-di sản tỉnh Quảng Nam chính thức công bố thông tin: các nhà khoa học của Đại học Milan, Ý khi đang làm việc trùng tu nhóm tháp G-thuộc Thánh địa Mỹ Sơn đã nhận biết được loại vật liệu kết dính để xây tháp Champa cách đây vài trăm năm. Đó là loại keo được tinh chế từ một loài thực vật vốn có rất nhiều trong khu vực quanh di sản Mỹ Sơn, mà người dân địa phương thường gọi là cây dầu rái. Ngoài ra, họ cũng đã phát hiện ra một loại hợp chất có nguồn gốc từ thực vật bản địa nói trên có trong gạch sử dụng để xây tháp. Như vậy, những điều bí ẩn xung quanh vật liệu được người Chăm sử dụng để xây dựng các công trình tôn giáo ở Việt Nam sau hơn 100 năm đã được giải mã. Trước đó, một người thợ thủ công tên là Lê Văn Chỉnh (thuộc tỉnh Quảng Nam) cũng đã bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu phương pháp xây dựng tháp Chăm đã phát hiện được hợp chất dầu rái trong gạch để xây tháp và chất kết dính, nhưng chưa được ai quan tâm thừa nhận.


Vào địa chỉ đã dẫn sẽ được xem ảnh của nhiều tháp Chăm hiện còn rải rác trên dải đất miền Trung, từ Quảng Nam trở vào cho đến Bình Thuận. Mọi người nên ghé thăm những nơi đó theo phong cách mở: không dự định trước điều gì, kể cả thời gian, gọi là thả lỏng để thư giãn.
Một vài tháp Chăm mà tôi có dịp ghé thăm:
Cụm tháp Bánh Ít, Bình Định, 7/2007
Khi chúng tôi đến trời đã ngả chiều, những ngôi tháp in bóng trên nền mây viền ánh bạc.
Ngôi tháp chính đã được trùng tu với những chi tiết nhỏ sắc nét trên đỉnh tháp.
Rõ ràng người ta không thể chế tác những chi tiết chạm khắc như thế này từ bên ngoài. Và những mạch kết dính các viên gạch mỏng đến kinh ngạc.
"Hùng cứ một phương".







Tháp Chăm Poklongarai, thành phố Phan Rang, 8/2008
Chuyến đi công tác Nha Trang được tôi kéo dài thêm 2 ngày để chạy vòng Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang - Nha Trang.
Rất tiếc khi xuống tới Phan Rang nhà bảo tàng đã đóng cửa, hết giờ, chỉ kịp chạy lên thăm Tháp.
Tháp này cũng đã được trùng tu, đôi khi có những chi tiết bê tông và vữa xi măng. Hi vọng bức tượng trên cao kia vẫn là tượng đá cát (sa thạch, cát kết) loại vật liệu chính cho điêu khắc Chăm.
Một gia đình mới bắt đầu từ những giá trị lịch sử đất nước và truyền thống dân tộc.
Quần thể di tích Mỹ Sơn, Quảng Nam, các năm 2003, 6/2009, dùng ảnh chuyến 2009
Mỹ Sơn là một trong hai Di sản Văn hóa Thế giới do UNESCO công nhận ở Quảng Nam, cùng với Hội An, vì những chứng tích đặc sắc và quy mô tập trung đại diện cho một dân tộc có thời huy hoàng trong lịch sử
Những "vườn" tháp đã được sang sửa
bên cạnh những tháp điêu tàn vì chiến tranh hiện đại và thời gian
mà những tác phẩm chạm khắc vẫn rực rỡ
dù cho đã bị hủy hoại phần nào vì những kẻ sưu tầm "đầu lâu".
Linh vật cúng tế Linga
và Yoni
các kiểu dáng.

Chúng, các tháp Chăm nhưng chưa phải là tất cả, như minh họa cho lời của nhà nghiên cứu dân tộc học Inrasara Phú Trạm "Cái khác biệt rõ nhất giữa Chăm và Việt là ngôn ngữ. Cùng với bốn dân tộc anh em là Churu, Êđê, Giarai và Raglai, tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo, còn Kinh thuộc nhóm Việt - Mường. Tiếng Chăm góp vào kho tàng ngôn ngữ Việt Nam hiện đại không phải là ít. Nhưng cái cốt tủy làm nên sự khác biệt lớn chính là văn minh. Ngay từ những năm đầu thế kỉ đầu tiên sau Công nguyên, trong khi Chăm tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ thì Đại Việt nhận ảnh hưởng từ Trung Hoa. Trong quá trình lịch sử, qua xung đột, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa giữa Champa và Đại Việt, người Chăm đã để lại bao nhiêu dấu tích khắp đồng bằng Bắc bộ và suốt dải đất miền Trung."
Phải chăng cái sự giống nhưng không bị đồng hóa của dân Việt trước Đại Hán Trung Hoa một phần là ở đây? Nếu câu hỏi này đáng là một câu hỏi, thì Giải thưởng Phan Châu Trinh 2009 về Nghiên cứu nên được xem là một điểm dấu và cần tiếp thêm sức làm rõ hơn nữa.

1 nhận xét:

Lê Tự Thành nói...

Những nhận xét của HT gây nên một nỗi lấn cấn bởi ta phải thừa nhận một lịch sử đồng hóa và bị đồng hóa. Dù là kẻ mạnh, mà bị chia cắt, đồng hóa thì cũng chỉ để lại những dấu tích như Mỹ Sơn. Oai hùng như "chúa sơn lâm" rồi con cháu chúng ta cũng chỉ còn biết được trong vườn thú. Tiếc nuối lịch sử, ai mà không cảm nhận nhưng ta không có đường nào để quay ngược trở lại.
TT